TPHCM khởi động 5 dự án trọng điểm
Vành đai 2, Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cao tốc TPHCM – Mộc Bài có tổng vốn hơn 66.000 tỉ đồng sẽ được khởi động trong năm 2023, hoàn thành vài năm tới giúp thay đổi diện mạo giao thông, tăng kết nối vùng cho TPHCM.
Xem thêm: Nút giao an phú ở TP Thủ Đức sẽ có tổng mức đầu tư gần 4000 tỷ đồng
Vành đai 2 HCM
Dự án đường Vành đai 2 HCM được quy hoạch cách đây 15 năm, tổng chiều dài hơn 64km, đến nay còn 14km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn.
Trong đó, hai đoạn Vành đai 2 đi qua Thành phố Thủ Đức, dài hơn 6km với tổng vốn hơn 17.000 tỉ đồng sẽ được UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư bằng ngân sách trong năm 2023 để khởi công.
Cụ thể, đoạn 1 dài 3,5km từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dự kiến vốn đầu tư giai đoạn một gần 8.591 tỉ đồng. Đoạn 2 dài 2,8km, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng với tổng vốn đầu tư giai đoạn một 8.458 tỉ đồng.
TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành các đoạn còn lại để khép kín Vành đai 2 trong năm 2025. Tuyến đường quan trọng này giúp TPHCM giảm ùn tắc ở nội thành, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp.
Vành đai 4 HCM
Vành đai 4 dài gần 200km, có tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỉ đồng đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đoạn Vành đai 4 do TPHCM thực hiện dài khoảng 17km (từ cầu vượt sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai) có tổng vốn khoảng 17.800 tỉ đồng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, mới đây Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đề xuất UBND TPHCM nghiên cứu ba phương án làm đường Vành đai 4 qua thành phố để tìm hướng tuyến phù hợp, giảm chi phí đầu tư. Sở GTVT TPHCM đang lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo kế hoạch đã được 5 địa phương thống nhất, giữa năm 2023 sẽ hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Việc chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành giữa năm 2024 để khởi công dự án. Công trình dự kiến thi công trong ba năm và khai thác từ quý I/2028.
Đường Vành đai 4 khi hình thành đóng vai trò chiến lược trong liên kết vùng, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Cao tốc TPHCM – Mộc Bài
Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài dài khoảng 50km, trong đó có 23,7km đi qua TPHCM, 26,3km đi qua Tây Ninh.
Tuyến đường sẽ thực hiện theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.729 tỉ đồng. Trong đó, nhà đầu tư bỏ ra khoảng 9.300 tỉ đồng xây dựng. TPHCM và Tây Ninh sẽ chi 7.433 tỉ đồng ngân sách để bồi thường, giải phóng mặt bằng (trên địa bàn TPHCM là 5.901 tỉ đồng và Tây Ninh 1.532 tỉ đồng).
Dự kiến Bộ Kế hoạch – Đầu tư sẽ trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu năm 2023.
Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, cả TPHCM và Tây Ninh cùng bắt tay vào triển khai lập dự án bồi thường, bắt đầu cắm ranh mốc từ quý III/2023. Song song đó, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Cao tốc TPHCM – Mộc Bài được thi công hoàn thành trong ba năm, từ 2024 đến 2027. Đây là tuyến đường mới kết nối TPHCM – Tây Ninh và giúp giảm tải quốc lộ 22, tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TPHCM với Campuchia.
Cầu Cần Giờ
Cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TPHCM dài hơn 3,6km với 6 làn xe.
Sau nhiều năm quy hoạch nhưng chưa triển khai, Sở GTVT TPHCM mới đây đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu khảo sát và cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo Sở GTVT TPHCM, cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT.
Trong đó, ngân sách TPHCM chi gần 4.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư bỏ chi phí xây lắp.
Cầu Cần Giờ sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2023, khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028.
Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TPHCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực.
Cầu Thủ Thiêm 4
Cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) với quận 7, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.300 tỉ đồng.
Dự án cũng đang được Sở GTVT TPHCM đấu thầu chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2023. Công trình dự kiến triển khai theo hình thức BOT.
Cầu dài gần 2,2km, rộng 28m với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/h; tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80x10m.
Điểm đầu dự án từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 (đường Vùng châu thổ).
Theo kế hoạch, cầu Thủ Thiêm 4 được triển khai giai đoạn 2024 – 2028. Cầu hoàn thành góp phần giảm ùn tắc giao thông từ khu Nam TPHCM về trung tâm, đồng thời giúp Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.
Xem thêm: TPHCM chuẩn bị đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 gần 5.300 tỷ đồng